Hướng dẫn thủ tục lấy bảo hiểm xe máy khi bị tai nạn

Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên, nếu lỡ như bạn hay người quen không may gặp phải tai nạn, bạn sẽ được hỗ trợ phần nào về tài chính nếu như có bảo hiểm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn các thủ tục để lấy được bảo hiểm xe máy khi bị tai nạn giao thông.

Mức chi trả bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới

Theo Điều 5 của Thông tư 22/2016/TT-BTC, phạm vi được bồi thường thiệt hại nếu có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới bao gồm:

“Thiệt hại ngoài hợp đồng về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra”.

“Thiệt hại về thân thể và tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe cơ giới gây ra”.

Theo Điều 9 của Thông tư 22/2016/TT-BTC, mức tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả thuộc phạm vi bảo hiểm như sau:

“Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn”.

“Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) gây ra là 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn”.

“Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào Mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo) gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn”.

Phạm vi không được bảo hiểm bồi thường

Theo Điều 12 của Thông tư 22/2016/TT-BTC, công ty bảo hiểm sẽ không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:

“ Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại”.

“Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới”.

“Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe”.

“Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại”.

“ Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn”.

“Chiến tranh, khủng bố, động đất”.

“Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt”.

Hướng dẫn thủ tục lấy bảo hiểm xe máy khi bị tai nạn

Khi chẳng may bị tai nạn xe máy, bạn hãy làm theo hướng dẫn sau đây để lấy được bảo hiểm:

Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu bồi thường cho xe máy bị tai nạn

Theo Điều 14 của Thông tư 22/2016/TT-BTC, hồ sơ để lấy bảo hiểm xe máy bao gồm các tài liệu sau:

– Bản sao tài liệu liên quan đến xe, lái xe là đăng ký xe, giấy phép lại xe, giấy tờ tùy thân (CMT, hộ chiếu, căn cước), giấy chứng nhận bảo hiểm.

– Bản sao tài liệu chứng minh thiệt hại về người như giấy chứng thương, giấy ra viện, chứng nhận phẫu thuật, hồ sơ bệnh án,…

– Tài liệu chứng minh thiệt hại về tài sản như hóa đơn, chứng từ sửa chữa thiệt hại sau tai nạn,…

– Bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền về vụ tai nạn biên bản khám nghiệm hiện trường, thông báo điều tra,… Các giấy tờ trên sẽ không cần cung cấp trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền không có các tài liệu đó và thiệt hại xảy ra ước tính dưới 10 triệu đồng. Lúc này, cần thay thế các tài liệu trên bằng các giấy tờ như biên bản xác minh vụ tai nạn, biên bản giám định thiệt hại có đủ xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền.

Lưu ý: Bạn nên mang theo cả bản gốc các giấy tờ (nếu có) khi đi nộp hồ sơ để tiện dùng cho việc đối chiếu khi cần thiết. Ngoài ra, bạn nên tham khảo thêm chi tiết các mục tại Điều 14 của Thông tư 22/2016/TT-BTC nếu còn khúc mắc.

Nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường ở đâu?

Để nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm, cách nhanh nhất là bạn đến nộp trực tiếp tại đại lý, đơn vị, địa điểm bạn mua bảo hiểm. Ngoài ra, bạn cũng có thể đến các điểm đại lý bất kỳ của hãng bảo hiểm bạn mua để nộp hồ sơ. Không những thế, bạn cũng có thể liên hệ với cơ quan công an để làm thủ tục và được hướng dẫn chi tiết.

Trên đây là các hướng dẫn rất cụ thể về thủ tục lấy bảo hiểm xe máy khi gặp tai nạn. Bạn có thể tra cứu thêm Thông tư 22/2016/TT-BTC ngày 16 tháng 02 năm 2016 để hiểu rõ luật cũng như hồ sơ bảo hiểm cần thiết chi tiết nhất. Hoặc bạn cũng có thể ra trực tiếp đơn vị bảo hiểm, cơ quan công an để được hướng dẫn về thủ tục trong mỗi trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cách này sẽ tốn thời gian và công đi lại của bạn.